Từ ngày tham dự Bloomington Handmade Market, mình có một sự ngưỡng mộ khủng khiếp tới những người thợ thủ công. Những đêm đông năm 2016, mình ngồi đạp máy khâu toét mắt, đau đến gù lưng để chuẩn bị cho hội chợ. Tự nhủ với bản thân, đây là lần đầu và cũng là lần cuối! Sản phẩm thủ công đòi hỏi sự tỉ mỉ đến khắt khe. Bù lại, những gì người thợ nhận được thật sự ít ỏi. Các cô mentor trong hội chợ dặn mình: “Cháu không thể bán một sản phẩm của mình cao hơn sản phẩm công nghiệp tương đương. Vì thế, hãy bố trí thời gian hoàn thiện một sản phẩm thông minh nhé.”
Về Việt Nam, qua những lần tiếp xúc với người dân trong làng, tình cảm và sự day dứt về tương lai đối với ngành nghề thủ công truyền thống của mình vẫn còn đó (thậm chí còn cao hơn rất nhiều). Hôm nọ qua Ra Riêng, mình bắt gặp cuốn sách này của Sylvie Fanchette và Nicholas Stedman mà như bắt được vàng. Du lịch văn hoá làng nghề có lẽ là cách đi có tương lai nếu như có sự đầu tư xứng đáng. Chỉ đến khi khách du lịch được gặp trực tiếp các nghệ nhân, giá trị của sản phẩm mới thực sự được tôn trọng và thấu hiểu. Bên cạnh đó, sẽ bớt dần câu chuyện các nhãn hàng lấy danh “người thợ thủ công” hét giá trên trời còn những người thợ vẫn chịu bán sản phẩm của họ theo từng kilogram. Một số điều thú vị mình biết được từ cuốn sách:
1. Thời kỳ kinh tế tập thể đã dịch chuyển sự phát triển của nhiều làng nghề. Trong đó, một số làng nghề hình thành quanh hợp tác xã như Hợp tác xã thêu Quất Động (chuyên may cờ và cờ hiệu), Dương Ổ (chuyên sản xuất giấy làm pháo). Một số làng nghề bị mai một do tiền lương xã viên thấp khiến nghệ nhân bỏ nghề truyền lại cho nông dân. Năm 1980, Hạ Thái có 700 dân nhưng phải mất đến 6 tháng để sản xuất một mặt hàng.
2. Làng nghề hoạt động theo xu hướng chuyên môn hoá thông qua các cụm làng nghề được chia thành ba cấp độ: i) ở cấp xã: mỗi cơ sở thực hiện công đoạn của quy trình sản xuất. Ví dụ như làng Đại Bái, mỗi nhà sẽ sản xuất thân ấm, vòi ấm, tay cầm hoặc một loại sản phẩm: ấm đun, mâm, chậu, v.v. ii) giữa càng làng với nhau: mỗi làng chuyên sản xuất một mặt hàng nhưng vẫn phụ thuộc vào các làng khác về nguyên liệu, kỹ thuật nghề, không gian sản xuất và nhân công. Ví dụ như làng tái chế sắt thép Đa Hội, làng luạ Vạn Phúc, v.v iii) giữa các cơ sở sản xuất trong làng và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp: các doanh nghiệp lớn đặt trong khu công nghiệp thuê xưởng của làng nghề. Trường hợp này cũng tìm thấy tại làng tái chế sắt thép Đa Hội.
3. Không gian làng nghề không phù hợp với du lịch. Đa phần các làng nghề vẫn chú trọng vào sản xuất, sử dụng đất công để làm nơi tập kết giấy vụn (Dương Ổ), gỗ (Đồng Kỵ), hay hoá chất (Đại Bái). Không gian sống và không gian sản xuất chưa được tách biệt gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khoẻ chính người dân nơi đây. Ô nhiễm nước còn tồn tại ở các làng nghề (sản xuất giấy, tái chế kim loại, sơn mài và dệt). Cần lắm sự can thiệp của địa phương trong việc quy hoạch đất sản xuất và đất sinh hoạt trong phạm vị các làng nghề.
4. Trung bình, mỗi xưởng gia công mây tre ở Phú Vinh kiếm được 15.000 đồng ngày. Đối với các sản phẩm gò ở Đại Bái được bán theo cân nặng với giá: nồi 60.000 đồng/kg, ấm 90.000 đồng/kg trong khi giá nguyên liệu nhôm cắt tấm 50.000 đồng/kg. Một mức giá quá bèo cho những vất vả khó khăn mà họ đối mặt. (Số liệu sách từ 2009)
5. Về mặt nguyên liệu, lụa Vạn Phúc dần pha với sợ nhân tạo do bài toán lợi nhuận. a. Sợi vítcô giá 60.000 đồng/kg và có thể dệt được 30m/mỗi ngày. Một người phụ trách 3 máy dệt một lúc b. Sợ trắng tự nhiên 600.000 đồng/kg và một thợ chỉ dệt được 3m/mỗi ngày c. Sợi mầu tự nhiên giá 800.000 đồng/kg và mỗi thợ phụ trách một máy dệt, dệt được 3m/mỗi ngày d. Sợi tự nhiên màu in hoa văn tinh xảo, một người thợ sản xuất được 2m mỗi ngày.
Để giữ lại danh tiếng của làng nghề, hợp tác xã Vạn Phúc đã xin cục Sở hữu trí tuệ xin cấp nhãn hiệu “Lụa Vạn phúc” với các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng về trọng lượng, lỗi dệt, mầu sắc, và phần trăm sợi tự nhiên. Đây cũng là một hướng đi tốt cho các làng nghề khác muốn nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đẩy cao giá bán của thành phẩm. Nên chăng Hạ Thái có thể áp dụng cách thức này khi sơn công nghiệp đang dần thay thế sơn ta trong các sản phẩm của làng nghề này?
6. Văn hoá xung quanh làng nghề vô cùng thú vị từ văn hoá thờ thành hoàng làng tới câu chuyện của gia đình nghệ nhân được đề cập trong sách. Một điểm nho nhỏ khá thú vị là tổ nghề dệt lụa là phụ nữ - một chuyện hiếm có trong hệ tư tưởng Khổng giáo và Phật giáo tại Việt Nam. Hai nữ anh hùng gốc Hà Tây, Trưng Trắc và Trưng Nhị, được đặt tên lấy nguồn gốc từ nghề nuôi tằm: theo ngôn ngữ dân gian trứng ngài tốt được gọi là “trứng chắc” và trứng ngài kém hơn được gọi là “trứng nhì”
Làm thêm 1 bài về các làng nghề ở Việt nam đi ad
điện thoại yealink ip